Quý III/2021: Thời điểm vàng Trung An quyết tâm khởi sắc bức tranh lợi nhuận

Công ty cổ phần nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HoSE: TAR) tự tin trong quý III/2021, doanh thu của Công ty ước đạt 500 tỷ, giảm 8% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận đạt 40 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và tăng gấp đôi so với quý II/2021.

 

1/ Quý III sẽ như thế nào khi biến động dịch bệnh trong quý II đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của Trung An?

Trung An quý III

Vào thời điểm quý II/2021 – thời gian đỉnh điểm của dịch bệnh khiến tình hình trên thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Trung An cũng như các doanh nghiệp nội địa đã có sự cạnh tranh khốc liệt với gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ. Đồng thời còn bị ảnh hưởng bởi hoạt động giãn cách xã hội kéo dài làm quá trình giao thương bị chậm trễ.

Dựa trên báo cáo, doanh thu thuần của Trung An giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn giảm mạnh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của Công ty tăng 7%, biên lãi gộp cải thiện từ 7.1% lên 8.6%. Tuy nhiên, gánh nặng lãi vay khiến hoạt động tài chính của Công ty tăng lỗ từ 16 tỷ đồng lên gần 19 tỷ đồng.

Đặc biệt, chi phí bán hàng gấp 3,1 lần cùng kỳ, lên gần 30 tỷ đồng chủ yếu do chi phí dịch vụ thuê ngoài tăng cao trong mùa dịch. Các yếu tố này khiến lợi nhuận ròng quý II/2021 của Công ty giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 16 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, Trung An ghi nhận hơn 1.229 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lợi nhuận ròng giảm 67%, còn gần 20 tỷ đồng. Năm 2021, Trung An đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng và 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 26% so với thực hiện năm 2020.

Ban lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân khiến chi phí của công ty tăng trong quý II/2021 chủ yếu là do ảnh hưởng mạnh của dịch Covid 19 khiến một số công ty, nhà máy, xí nghiệp phải rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, đóng cửa tạm thời, đứt gãy chuỗi cung ứng. Giá cước vận tải quốc tế tăng mạnh: tăng gấp 2,3 lần với thị trường châu Á và tăng gấp 3 lần với thị trường châu Âu. Việc các nhà máy sản xuất “3 tại chỗ” cũng khiến chi phí tăng cao, doanh thu lợi nhuận giảm nên rất nhiều doanh nghiệp trong ngành phải ngừng sản xuất, dẫn đến tình trạng lúa chín không được thu hoạch.

Tuy nhiên trong tình hình khó khăn đó, Trung An vẫn là 1 trong số rất ít đơn vị vẫn quyết tâm duy trì hoạt động sản xuất, hỗ trợ cho người lao động có việc làm và thu nhập trong mùa dịch, duy trì thu mua giúp bà con nông dân bán được lúa đang chín rục ngoài đồng; giảm thiểu việc trì hoãn giao hàng cho đối tác.

 

2/ Bị hoàn cảnh tác động nhưng Trung An vẫn thể hiện được phong độ nhất định của mình trong thị trường xuất khẩu, khát vọng phục hồi ở quý III?

Trung An quý III

Trong 8 tháng đầu năm 2021, dù phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có tiền lệ từ đợt bùng phát đại dịch Covid 19, Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) vẫn liên tục trúng những gói thầu lớn xuất khẩu gạo sang Hàn Quốc. Đây là minh chứng cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ và bền vững của hạt gạo Việt Nam nói chung và công ty Trung An nói riêng trong thị trường gạo quốc tế đầy cạnh tranh và biến động.

Cụ thể, ngày 19/4 Công ty Trung An đã trúng thầu đợt 1 và ký kết hợp đồng xuất khẩu mặt hàng gạo lứt hạt dài 3-4% tấm) số lượng hơn 11.000 tấn sang Hàn Quốc, với giá CIF 584 USD/tấn, đã giao hàng vào cuối tháng 6/2021.

Đến tháng 5, trong đợt gọi thầu đợt 2 của Hàn Quốc cho 3 lô gạo với tổng khối lượng 23.222 tấn đã thu hút sự tham gia các nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam. Với uy tín đã được khẳng định qua đơn hàng đầu tiên cùng vị thế của một trong những lá cờ đầu trong sản xuất xuất khẩu gạo ở Việt Nam, Công ty Trung An đã tiếp tục được phía Hàn Quốc tin cậy chọn trúng thầu thêm 2 lô với tổng khối lượng 22.222 tấn. Với mức giá bình quân từ 578 usd/tấn (giá CIF), tương đương 500 usd/tấn giá FOB. Dự kiến 2 lô hàng gạo này sẽ được giao sang Hàn Quốc trong tháng 9 và tháng 10 tới.

Đây được xem là mức giá tốt trong điều kiện giá gạo thế giới đang tụt giảm hiện nay. Việc trúng thầu giá cao vào một thị trường cao cấp và khó tính như Hàn quốc đã cho thấy quy luật là những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu luôn được bù đắp xứng đáng bằng những mức giá tương xứng, dành cho những sản phẩm chất lượng và nhà cung cấp uy tín.

 

3/ Bước vào giai đoạn cuối năm quý III, Trung An có kế hoạch hành động gì để khôi phục kinh tế, phát triển vững chắc hơn?

Trung An quý III

Dẫu biết rằng ảnh hưởng của dịch là yếu tố khách quan nhưng Trung An vẫn không sẽ không chủ quan, từng bước lên kế hoạch hành động, khôi phục lại kinh tế doanh nghiệp và phát triển bức tranh lợi nhuận khởi sắc hơn.

Trước mắt, Công ty sẽ chuyển chiến lược tập trung xuất khẩu dòng gạo sạch cao cấp có giá xuất khẩu cao hơn. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh khai thác canh tác toàn bộ diện tích Cánh đồng mẫu Kiên Giang theo quy trình mới, cải tiến kỹ thuật làm đất, tưới tiêu, phun, sạ… giúp tiết giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất lúa thu hoạch. Từ đó, doanh thu giảm nhưng lợi nhuận sẽ tăng

Đồng thời trong thời gian tới, Công ty sẽ tham gia đấu thầu nhiều gói thầu xuất khẩu có giá trị lớn sang thị trường châu Á như: Hàn Quốc, Malaysia, Philippines… Riêng thị trường châu Âu, từ tháng 6/2021, Công ty đã mở Văn phòng đại diện tại Hamburg (Đức) để các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu tiếp cận sản phẩm của Công ty được thuận tiện hơn. Thực tế, qua 2 tháng, lượng khách hàng ở châu Âu đến mua sản phẩm của Công ty tăng khá nhiều.

Với kết quả kinh doanh quý III/2021 lạc quan, Trung An tự tin khi dịch bệnh được kiểm soát cơ bản, Công ty sẽ hoàn thành thậm chí vượt mức kế hoạch kinh doanh đã được thông qua tại Đại hội cổ đông năm 2021.

Chúng tôi quyết tâm phấn đấu trong quý III/2021, doanh thu của Công ty ước đạt 500 tỷ, giảm 8% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận đạt 40 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và tăng gấp đôi so với quý II/2021.

 

Theo Baodautu.vn


Xem thêm bài viết liên quan

DMCA.com Protection Status